Nhìn chung, trang trí trong một ngôi nhà rường ở Làng Phước Tích thường được thể hiện ở các bộ phận, các vị trí, các hình thức trang trí như sau:
+ Hệ thống cửa vào phía trước với hàng chục lá cửa (12 - 18 lá), mỗi lá đều được trang trí bằng hình thức tạo đường gờ, chia ô hộc, xoi đường chỉ chìm hoặc nổi ở các cạnh của khung gỗ, ván lồng, song cửa... vừa đáp ứng công năng sử dụng (che chắn thay tường bao che phía trước, tạo nhiều ánh sáng cho bên trong ngôi nhà nhờ hệ thống khe hở ở song cửa hoặc có thể tháo rời ra hết để mở rộng không gian ngôi nhà mỗi khi có đình đám, tiệc tùng...), vừa tăng thêm tính thẩm mỹ cho ngôi nhà.
+ Trang trí ở bộ khung gỗ: Nhà rường ở Phước Tích thường được chạm trổ ở các bộ phận: Hai đầu trến, xuyên chạm hình đầu rồng; đuôi kèo, hai bên hông và bên dưới kèo chạm hình con cù, dải mây, hoa lá, ngũ quả hoặc đầu rồng; mặt dưới các đòn tay chạm trổ thành khung viền, chỉ nổi, trung tâm là họa tiết hoa, lá cách điệu với nhau qua đường chỉ xuyên tâm... Bên cạnh đó, các bộ phận còn lại đều tạo dáng thanh mảnh, mềm mại nhưng vẫn giữ được chức năng của nó như cột tròn, trơn bóng, thon nhỏ ở hai đầu; xà, xuyên xoi đường chỉ chìm; trến, kèo tạo dáng cong, xoi trấy cóc ở hai bên. Một số nhà có bộ phận con tôm, trụ đội, áp quả đều được chạm trổ, tạo dáng đẹp, hài hòa.
+ Trang trí ở đố bản, phên lụa (đố lụa), cửa nội, liên ba, thanh vọng, bức chéo, rầm thượng... Tùy theo gia cảnh của chủ nhà mà các bộ phận này được trang trí, chạm trổ, tạo dáng nhiều hay ít. Hai dải liên ba giữa hai hàng cột nhất (phía sau) chạy suốt ba gian là những ô hộc trang trí bằng các mảng chạm nổi theo các đề tài: tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), nhãn - sóc, dê - đào, tùng - lộc, mai - điểu, hoa cỏ, sơn thủy, bát bửu, ngũ quả... hoặc lồng ván để trơn, gắn các song tiện... Ở hai chái, sát dưới kèo là các bức chéo (đố bản) hình tam giác trang trí ô hộc hình vuông hay chữ nhật, xoi đường chỉ xung quanh. Đố bản, phên lụa (tường/vách ngăn bên trong nhà) là những khung gỗ, lồng ván, tạo thành các ô hộc, chạm trổ chữ thọ, bát bửu, hoa lá... hoặc trang trí bằng cửa nội (thượng song, hạ bản). Lối vào hai chái hoặc vào hai phòng hai đầu đều có cửa hình vòm cuốn hoặc chữ nhật được xoi đường chỉ, tạo thành ô hộc. Rầm thượng kéo dài suốt ba gian, xung quanh che chắn khung gỗ lồng ván, tất cả đều phẳng, bóng, làm cho các bộ phận được chạm trổ trong ngôi nhà thêm phần nổi bật, hài hòa.
Ngoài việc trang trí ở các bộ phận cố định nêu trên, nhà truyền thống ở Phước Tích thường được trang trí thêm hệ thống hoành phi, câu đối. Các bức hoành phi (bức đại tự bằng chữ Hán) treo bên trên, chính giữa các xuyên trước. Mỗi bức hoành phi thường có kích cỡ: 70cm x 100cm hoặc 80cm x 120cm, Xung quanh được chạm trổ chữ vạn, hoa lá; chính giữa chạm nổi các chữ Hán cỡ lớn đề cập đến giáo huấn, chân - thiện - mỹ...; hai bên là dòng lạc khoản ghi năm làm bức hoành phi, tên người tặng. Hoành phi thường sơn thếp bằng các màu vàng, đỏ và đen. Các cặp liễn khắc câu đối làm bằng tấm ván hình chữ nhật, có kích cỡ: 200cm x 35cm x 3cm, treo dọc các cột hàng nhất và cột hàng nhì phía trước ở gian giữa. Xung quanh bề mặt bức liễn chạm đường chỉ, dải hoa lá, chính giữa, dọc theo chiều dài khắc các câu đối bằng chữ Hán, cũng như hoành phi, bức liễn khắc câu đối có dòng lạc khoản nhỏ ghi năm làm, tên người tặng. Toàn bộ sơn màu đen, phần khắc chữ Hán và chạm trổ màu vàng hoặc khảm trai.
+ Trang trí ở đồ thờ: Đồ thờ thường có tủ thờ (hương án), khám thờ, bàn thờ (thượng, hạ), hương trát, trang thờ, bài vị, lư xông trầm, lư hương, bình hoa, khay đựng trầu cau, đĩa đựng hoa quả... Hầu hết đều làm bằng gỗ (chỉ có tam sự làm bằng đồng, lư hương có loại làm bằng sứ, đồng), trang trí đẹp, trang nghiêm, bài trí phù hợp với phong tục thờ cúng của cư dân Thừa Thiên Huế:
Phần sau gian giữa, chính giữa là nơi đặt tủ thờ được tạo dáng chân quỳ, mặt tiền hình chữ nhật, chạm trổ các đề tài: hổ phù, tứ quý, mai - điểu, tùng - lộc... (một số nhà không sắm được tủ thờ thì dùng bàn thờ thượng để thay vị trí của tủ thờ). Phía trên tủ thờ bài trí lư xông trầm, lư hương lớn, mâm đựng ngũ quả, bình hoa, chân đựng nến...
Sát phía trước tủ thờ là vị trí của hương trát (bàn thờ nhỏ, thấp hơn bàn thờ thượng) để đặt lễ vật mỗi khi kỵ giỗ. Phía sau tủ thờ là bàn thờ hạ (nơi đặt đồ cúng), khám thờ hoặc thêm một bàn thờ hẹp, cao hơn bàn thờ hạ (nơi đặt lư hương, bài vị, di ảnh những người quá cố được thờ). Một số nhà còn có bàn thờ khác đặt ở hai bên hoặc trang ông, trang bà ở phía trên (hai bên gian thờ)... Hương trát, khám thờ đều được xoi đường chỉ, tạo ô hộc hoặc chạm lọng mặt trước với các đề tài lưỡng long chầu nguyệt, mai - lan - cúc - trúc, hoa lá cách điệu...
Hai bên mặt tường sau bàn thờ, một số nhà còn trang trí các bức liễn khắc câu đối, vẽ cảnh sơn thủy, hoa lá...
Ngăn cách gian thờ ở phía trước thường treo bức màn bằng vải hoặc rèm trúc in chữ thọ, rồng chầu, hoa lá, mỗi khi có kỵ giỗ người ta mới vén bức rèm này sang hai bên để tiện hương khói, đặt lễ vật vào bên trong gian thờ.
+ Trang trí ở đồ dùng: Những vật gia dụng phổ biến trong một ngôi nhà truyền thống ở làng cổ Phước Tích là: trường kỷ, bộ ngựa, sập gụ, tủ áo quần, rương hòm, bàn ghế, án thư (giá sách)... Trong đó, trường kỷ và sập gụ là những vật dụng được chạm trổ tinh xảo cả bốn phía bằng kỹ thuật chạm lọng hoặc chạm nổi hay cẩn, khảm trai. Tùy theo số lượng, giá trị thẩm mỹ, công dụng của đồ dùng, sở thích của gia chủ, không gian của ngôi nhà... mà người ta bài trí các đồ dùng cho phù hợp: Gian giữa là nơi trang nghiêm, ít sử dụng để sinh hoạt thường ngày nên hạn chế đặt đồ dùng ở đây, chỉ đặt một trong số các đồ dùng sau: bộ bàn ghế, trường kỷ, sập gụ, bộ ngựa. Riêng ở hai đầu có thể đặt các đồ dùng để sinh hoạt như là tủ áo quần, giá sách, giường, bàn ghế, bộ ngựa, tủ chè...
Dù có chung một cái tên là nhà rường, nhưng tuyệt nhiên không có hai căn nhà rường hoàn toàn giống nhau bởi không bao giờ có hai gia chủ giống nhau. Chỉ cần bước vào không gian bên trong, du khách sẽ cảm nhận được những cảm xúc rất khác của sự chỉnh chu và cầu kì trong cách trang trí mà mỗi căn nhà rường mang đến.
(1) Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), Dương Phước Luyến, Lê Văn Sách, Mai Khắc Ứng, Trần Đại Vinh, Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, Nxb Hội Nhà văn, 1992, Tr.157.
0 bình luận