Cái "nghiên mực" và "con dấu" của làng Phước Tích

Cái

Làng Phước Tích vốn nổi tiếng với truyền thống hiếu học và khoa cử. Ngày nay, riêng ngành giáo dục, con, dâu, rễ của làng đã có đến 150 người (đang ở làng là 40 người), trong khi dân số cùng thời là 452 nhân khẩu. Chính vì vậy mà trong làng đã có những ví von về hồ Hà Trì và Cồn Trèng như cái "nghiên mực" và "con dấu" thể hiện cho tinh thần hiếu học của người dân Làng cổ Phước Tích.

Hồ Hà Trì nằm về phía bắc đông của làng, có hình dáng như một cái túi lớn. Miệng túi là con hói lấy nước từ sông Ô Lâu vào hồ (con hói này làm ranh giới giữa hai làng Mỹ Xuyên và Phước Tích) như cánh cửa mở rộng để lấy phúc đức, tiền của vào cất giữ, nuôi dưỡng dân làng. Càng vào sâu trong làng hồ càng phình to ra, tạo thành một hồ nước hình tròn có diện tích khoảng 2ha. Về mùa mưa, nước hồ sâu 4 - 5m, mùa hạn sâu khoảng 0,5 - 1m. Theo tương truyền thì những năm hạn hán, hồ Hà Trì vẫn không cạn nước. Nếu năm nào bị cạn, dân làng thường gặp tai ương như hỏa hoạn, đói kém...(1)

Trong dân gian xưa có một câu hát rất phổ biến về hồ Hà Trì: “Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân”. Nó cho thất hồ Hà Trì không chỉ là nơi nuôi tôm, cá (tôm, cá tự nhiên ở sông Ô Lâu theo dòng nước vào hồ), trồng sen, trồng lúa, cung cấp nước tưới, đem lại lợi ích kinh tế cho dân làng Phước Tích mà còn là điểm nhấn quan trọng trong cảnh quan kiến trúc của làng cổ. 

Tiếp giáp hồ Hà Trì về phía đông là cồn Trèng. Đây là nơi người ta đổ những mẻ trèng - phế phẩm của gốm lại thành đống, dần dần cao lên như một cái cồn lớn (diện tích 730 m2) nên gọi là cồn Trèng. Trước đây những lò gốm làm ở khu vực này song do gần khu vực dân cư lại ngược hướng gió nên hay gây ra hoả hoạn, sau đó các lò gốm được chuyển về khu vực xóm Giữa vừa thuận hướng gió vừa gần các bến thuyền tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu cũng như chuyên chở sản phẩm đi. Hiện tại khu vực cồn Trèng đất bồi lẫn lộn với mảnh gốm (mẻ trèng), cây cối mọc lên um tùm tạo thành bức bình phong che chắn mọi tà khí cho làng. 

Từ xa nhìn vào hồ Hà Trì và cồn Trèng trông như cái nghiên mực và con dấu - biểu thị của sự xác lập chủ quyền vùng đất này của dân làng, sự sung túc, đầy đủ của làng. Có người thì cho rằng, Phước Tích có hồ Hà Trì là cái nghiên mực tạo nên truyền thống hiếu học cho dân làng.               


(1) Như năm Đinh Dậu - 1897, Mậu Tuất - 1898, hồ cạn nước, dân làng Phước Tích đã bị nạn đói hành hoành (Theo lời kể của ông Nguyễn Duy Mai ở làng Phước Tích).

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Cổng thông tin du lịch Phước Tích cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

langcophuoctich2013@gmail.com
862632202
Xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

IZOMI