Năm 1470, sau đại thắng quân Chiêm Thành, dưới thời Vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), hầu tước Hoàng Minh Hùng (quê ở Cảm Quyết, Quỳnh Lưu, Nghệ An), theo lời kêu gọi của triều đình, đã cùng 11 người thuộc các dòng họ Đoàn, Hồ, Lê Ngọc, Lê Trọng, Lương Thanh, Nguyễn Phước, Nguyễn Bá, Nguyễn Duy, Phan Công, Trương Công và Trần Ngọc vào xứ Cồn Dương khai hoang lập ấp. Để nhớ về nguồn cội, ngài Hoàng Minh Hùng và các ngài khai khẩn đã đặt tên cho quê hương thứ hai của mình là Cảm Quyết, thuộc huyện Kim Trà, châu Hóa, thừa tuyên Thuận Hóa. Tên làng Cảm Quyết dưới thời chúa Nguyễn được đổi thành Phước Giang, đến thời Tây Sơn, đổi lại là Hoàng Giang, cho đến đầu triều Gia Long đổi lại thành Phước Tích và tên gọi này tồn tại cho đến nay. Làng Phước Tích còn có tên gọi khác là làng “Kẻ Đôộc”, xuất phát từ tên gọi sản phẩm truyền thống của làng là đồ gốm.
Phước Tích là một ngôi làng cổ, điển hình của người Việt ở miền Trung. Trải qua hơn 500 năm tồn tại, kiên cường vượt qua các cuộc chiến tranh và sự tàn phá của thiên nhiên, kiến trúc làng cổ Phước Tích vẫn giữ gìn được gần như nguyên vẹn vẻ đẹp ban sơ trong đời sống sinh hoạt làng quê Việt Nam với không gian yên bình tĩnh lặng, phong cảnh hữu tình yên ả có cây đa, bến nước, sân đình… Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa miền Trung - PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh đã nhận xét: “Rất hiếm có làng nào ở miền Trung chiến tranh bom đạn cày xới cả một thời gian dài nhưng lại giữ được nét cổ kính về các công trình kiến trúc nhà cửa, đền miếu, cây cối như ngôi làng Phước Tích”. Không gian cảnh quan của làng Phước Tích rất khác so với các thôn làng phía Bắc và điển hình cho hầu hết thôn làng Bắc Trung Bộ. Điều đặc biệt là những công trình kiến trúc ở Phước Tích không bị bao bọc bởi những tường gạch hun hút như ở miền Bắc, mà được hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên thơ mộng: dòng sông hiền hòa, cây cối xanh tươi với những hàng chè tàu, những rặng tre, những cây cổ thụ có tuổi đời gắn với tuổi làng. Cấu trúc không phân chia đó đã tạo nên một vùng xanh liên hoàn, một khuôn viên lớn cấu thành bởi các khuôn viên nhỏ - hộ gia đình. Cấu trúc và tổ chức không gian làng Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng đất Bắc Trung Bộ, đó là cấu trúc mở với những căn nhà vườn.
Làng Phước Tích cho đến nay vẫn còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể khá đồ sộ. Trong số hơn 120 nóc nhà của làng hiện vẫn còn gần 30 ngôi nhà cổ (đa số là loại nhà rường cổ ba gian hai chái), 10 nhà có giá trị đặc biệt, các ngôi nhà này đều có tuổi thọ trên 100 năm, lại nằm liền kề nhau, chỉ cách nhau bằng khu vườn. Bên cạnh nhà dân là hệ thống nhà thờ họ, phái, hiện có hơn 10 nhà thờ còn bảo lưu theo kiểu kiến trúc nhà rường. Ngoài ra, còn có các công trình kiến trúc tín ngưỡng khá phong phú: Đình làng, Chùa, miếu Cây Thị (miếu Bà), miếu Quảng Tế, miếu Liễu Hạnh, miếu Ngũ Hành, miếu Vua, miếu Cô Hồn, miếu ông Cọp, miếu Đôi, Văn Thánh...
0 bình luận