Nơi đây duy là vùng đất hẹp nhưng lại là một vị trí cao ráo, lò gốm có thể nổi lửa bất cứ lúc nào thuận tiện mà không sợ ngập úng, hoặc ảnh hưởng đến lò, đến sản phẩm. Dù đất cao, nhưng lại ở cạnh nước (sông Ô Lâu), việc vận chuyển nguyên vật liệu cũng như lưu hành sản phẩm bằng đường thuỷ khá thuận lợi. Một trong những nhân vật liên quân đến nghề nghiệp, đó là ông Đôộc. Ông Đôộc là bạn của ngài Thỉ tổ Hoàng Minh Hùng, vóc người khoẻ mạnh, tướng mạo dữ tợn, thạo nghề sông nước và rất giỏi việc làm gốm. Ông Đôộc ở lại với dân làng qua lời giới thiệu của ông Hùng, tận tình chỉ dạy cho dân tất cả các khâu kỹ thuật trong nghề gốm. Đến khi mẻ gốm đầu tiên do người trong làng đảm trách ra lò hoàn hảo, thì ông Đôộc lặng lẽ ra đi, không bảo mình đi đâu. Dân làng tưởng nhớ công lao của ông và từ đó gọi sản phẩm của mình là kẻ đôộc, hay đồ đôộc.
Chất liệu của sản phẩm gốm tuỳ thuộc rất nhiều vào loại đất sét sử dụng, nguồn đất chính mà thợ Phước Tích sử dụng, khai thác ở vùng Quảng Trị, qua hình thức trao đổi sản phẩm hoặc mua bán.
Đất sét chia làm nhiều loại, loại tốt là đất sét vàng pha trắng, nhuyễn, mịn, không bị pha tạp chất. Đặc điểm của loại này là nung nhẹ lửa, sản phẩm ít bị nứt rạn, nên thợ gốm thường dùng để sản xuất nguyên vật liệu có thành mỏng, hoặc hình khối lớn. Loại xấu: Ít mịn, có pha tạp chất, nung nó cần nhiều củi (nặng lửa) và dễ bị nứt. Tuy nhiên đây là loại dễ khai thác và dùng để sản xuất những vật dụng không cần yêu cầu nhiều về mặt ngoại hình.
Do tính chất hoàn toàn thủ công, cho nên thợ gốm Phước Tích ngoài sự hỗ trợ của một số loại phương tiện rất thô sơ, như thêu, nề đất, bàn chuốt, bàn xên, gót chân, vòng vá nhắm, sợi sắt, trang, cái lù, tre dồn (tre soi)... Đôi bàn tay của họ quyết định phần lớn sự hình thành của sản phẩm.
Lò nung có hai loại chính là lò sấp và lò ngữa:
- Lò sấp: Được đắp bằng đất đỏ, có hình khum của nửa khối ống rỗng úp lên mặt đất. Ống thông hơi cuối gọi là lỗ đạo, thành lò có cửa để chuyển sản phẩm ra vào trước và sau khi nung cũng như đưa củi vào đốt lò (có từ quy mô sản xuất của từng nơi) Lò sấp chia làm ba loại: Lò cóc, lò thanh và lò nậy.
- Lò ngữa: Là loại lò quy mô nhỏ, thường sản xuất trong khung gia đình. Đây là cấu trúc lò có cửa hướng lên trên, do việc xây lò kín theo khối lập phương, miệng lò hẹp để giữ nhiệt. Mặt trên là nới chuyển sản phẩm, chỉ đậy kín khi nung, mặt trước có cửa để đun củi.
Việc xây lò nung chịu nhiều quy định rất khắt khe và không phải bất cứ thợ nào cũng làm được. Ngoài việc chọn địa điểm, hướng gió, hướng phong thuỷ... các thông số kỹ thuật của việc xây dựng phải được tuân thủ nghiêm ngặt.
Kỹ thuật sản xuất:
- Làm đất: Là công việc băm nhỏ đất sét, dùng chân nhồi thật nhuyễn. Dù không qua khâu lọc đất thật mịn như các lò gốm xứ, nhưng trong quá trình làm đất người thợ đã hạn chế để lẫn tạp chất bằng cách nhặt bỏ những vật lẫn trong đất. Khi độ dẻo của đất đã đạt theo đúng yêu cầu người ta mới đậy lại, chuẩn bị cho khâu tiếp theo.
- Chuốt: Là khâu tạo hình trên bàn xoay tạo dáng sản phẩm, đây là một khâu quan trọng, phản ánh trình độ nghệ thuật của gốm, bởi tự nó đã mang tính tạo khối như trong điêu khắc. Cho nên gốm đất nung vẫn khẳng định được tính cách riêng và giá trị riêng của mình.
- Làm nguội: Sau khi đem phơi một thời gian cho ổn định hình dáng ban đầu, thợ gốm đem trở lại, sửa sang cho đúng kiểu mẫu, kẻ vạch các loại hoa văn, hoạ tiết... rồi phơi tiếp. Trước khi khô hẳn, người thợ còn làm công việc trau chuốt, cạo... Cho sản phẩm thật hoàn hảo, kiểm soát các tiêu chuẩn cần thiết về mặt kỹ thuật để khỏi gặp trở ngại khi nung lò.
Gốm Phước Tích chủ yếu là đồ đựng gia dụng, hoa văn đơn giản, với những đồ án khắc vạch, hình học, những vòng tròn đồng tâm. Nhưng cái đẹp được thể hiện thông qua cách tạo dáng, sự phối hợp của các bộ phận như quai, nắp... đã tạo nên sự mộc mạc duyên dáng, bình dị như những cô thôn nữ. Những nét chìm được khắc trên thành gốm dù không có men mầu phối hợp nhưng vẫn tạo được sự đậm nhạt bằng kỹ thuật khắc nông, sâu, rộng, hẹp, ngắn ,dài...
- Nung: Đây là khâu kỹ thuật có tính chất quyết định, người ta nói đây là nghệ thuật chơi với lửa, quan trọng nhất là việc xắp xếp các sản phẩm thô vào lò để khi nung, tùy tính chất cũng như độ dày, hình dáng của sản phẩm, chúng sẽ nhận được lượng nhiệt đúng yêu cầu. Vì tính chất quan trọng nên chịu trách nhiệm khâu này là ông Lãnh - một người có kinh nghiệm nung.
Thời gian nung khoảng 72 giờ, trải qua 3 giai đoạn:
+ Giai đoạn đầu khống chế tăng nhiệt nhanh để khỏi tạo nên sự thay đổi nhiệt đột ngột, làm nứt sản phẩm, người thợ gọi là giai đoạn nhúm non.
+ Giai đoạn 2 tăng nhiệt lên 10000C để làm chín gốm, gọi là nhúm già.
+ Giai đoạn cuối cùng giảm lửa dần, gọi là hòng, cho đến khi sản phẩm chín đều, giai đoạn này người ta ngưng tiết lửa và trám bít cửa lò và đạo. Nhiệt độ trong lò vẫn hấp chín sản phẩm.
Khoảng 7,8 ngày sau khi lò nguội, người ta chuyển sản phẩm ra, đây là qui trình ở lò sấp, còn ở lò ngửa mọi việc đều trong phạm vi của các thành viên trong gia đình, lò ngửa cách nung đơn giản và thời gian ngắn hơn (trong vòng 18 giờ đồng hồ).
Nghề gốm Phước Tích đã ra đời cách đây gần 500 năm, đã có thời kỳ phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XVIII - XIX và những thập niên đầu của thế kỷ XX, có lúc làng Phước Tích có đến 13 lò sấp và 20 lò ngửa, với một khoảng đất hẹp, người ít, hoạt động ấy hẳn rất sống động. Trong ký ức người dân ở đây, điều đáng ghi nhớ nhất của họ là những chiếc ngọc oa ngự dụng (om ngự), mà người dân Phước Tích gọi là om cồi của vua. Đây là loại sản phẩm mà triều đình nhà Nguyễn đặt riêng để nấu cơm cho vua, các lão thợ chuyên trách phải dùng loại đất sét tốt nhất, nắn chuốt trên một bàn riêng, phơi kẻ trên một vị trí đặc biệt. Mỗi năm 2 lần người trong làng dùng thuyền đưa các om ngự lên kinh thành Huế.
Do tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau, cuối cùng hợp tác xã sản xuất gốm Phước Tích phải giải thể (năm 1989), những chiếc lò bị bỏ hoang và hư hại theo thời gian. Đến năm 2006, với nỗ lực khôi phục lại nghề gốm, được sự hỗ trợ của UBND huyện Phong Điền, người dân Phước Tích lại ra làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), xây dựng một lò gốm mới và sản xuất ra loại gốm tráng men.
Đây là dấu tích kỷ niệm của một làng gốm xưa của người dân Phước tích.
0 bình luận