Không gian cảnh quan của làng Phước Tích có đặc điểm khác với các thôn làng phía Bắc và điển hình cho hầu hết thôn làng Bắc Trung Bộ. Không gian làng không bị ngăn chia từng hộ, từng ngõ, xóm bởi những bức tường khép kín. Thay vào đó là những hàng rào chè tàu chỉ chia mà không ngăn. Cấu trúc không phân chia đó đã tạo nên một vùng xanh liên hoàn, một khuôn viên lớn cấu thành bởi các khuôn viên nhỏ - hộ gia đình. Cấu trúc và tổ chức không gian làng Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng đất Bắc Trung Bộ, đó là cấu trúc mở với những căn nhà trong vườn, nhà vườn.
Các ngõ xóm ở làng cổ Phước Tích đều dẫn theo hướng bắc - nam nên trông làng như hình một cái nan quạt. “Lối quy hoạch những con đường hình nan quạt có tác dụng làm không gian kiến trúc của đường làng, ngõ xóm, nhà cửa, cây cối... vừa thơ mộng, vừa gần gũi, ấm cúng, chan hòa giữa người với cảnh vật”(1)
Làng cổ bốn mùa được bao bọc bởi những rặng tre xanh, dưới bóng cây cổ thụ rợp mát, những con đường dẫn lối ra sông ra đình, nối kết nhà này với nhà nọ, xóm dưới với làng trên. Từ bao đời nay, những đường làng, ngõ xóm vẫn mãi gần gũi, thanh bình, hiền hòa, thân thương trong mỗi trái tim chúng ta.
Những con đường, ngỏ xóm như những điểm sáng trong bức tranh về cuộc sống thôn quê ở một ngôi làng cổ điển hình của người Việt ở miền Trung.
Cuộc sống mệt mỏi bon chen trên những con đường nhựa nơi thị thành tấp nập, khiến con người ta muốn trở về dạo bước giữa những con đường, ngỏ xóm nơi làng cổ Phước Tích, đi qua những hàng chè tàu thẳng tấp, thoảng thơm hương hoa cây cỏ, ngắm nhìn những cây cổ thụ trăm tuổi, lắng nghe tiếng chim hót, nhìn thấy khói lam chiều la đà trên mái bếp thì lòng sẽ bình yên đến lạ.
Khi ấy, chúng ta càng thấm thía, thiết tha yêu hơn những con đường làng, nơi chất chứa tuổi thơ của không biết bao nhiêu thế hệ.
(1) PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, Các giá trị văn hóa truyền thống của ngôi làng cổ Phước Tích ở Thừa Thiên Huế, Kỷ yếu Hội thảo Làng di sản Phước Tích, 2004, Tr. 78."
0 bình luận