Làng cổ Phước Tích là một trong những ngôi làng cổ Việt Nam được đánh giá có “vẻ đẹp cổ kính” với những giá trị di sản vật thể vô giá.
Theo dòng thời gian, ngôi làng cổ kính vẫn tựa mình bên dòng Ô Lâu, luôn khiến người ta lưu luyến khi đã đặt chân đến dù chỉ một lần. Chiêm ngưỡng những dấu tích xưa cũ nơi hệ thống nhà cổ; ghé thăm những đình, miếu, nhà thờ tộc họ; ngắm những cây trái lâu năm trong các khu vườn xanh tốt; băng qua những hàng chè tàu xanh ngắt, thẳng tắp; đi trên những con đường làng, ngõ xóm dẫn lối ra sông ra đình, nối kết nhà này với nhà nọ, xóm dưới với làng trên; bạn sẽ được đắm mình trong không khí tĩnh tại của tâm hồn và cảnh vật của một thời quá khứ. Ngồi trong một ngôi nhà cổ, nhâm nhi chút mứt gừng cay nồng cùng ấm trà sen địa phương, bạn sẽ thấy lòng phẳng lặng như mặt hồ dòng Ô Lâu những ngày trưa hè. Đất và người bình dị, hiền hòa mà cất giữ bao ân tình của một làng quê đặc trưng văn hóa Việt.
Những năm gần đây, với sự hỗ trợ và chính sách bảo tồn văn hóa, Phước Tích được trùng tu, sửa sang. Nay, Phước Tích là đại diện cho một ngành nghề truyền thống hiếm hoi còn sót lại: nghề gốm. Cho đến thập niên 1980, ngôi làng này còn được biết đến với nghề làm gốm không men. Hàng trăm gia đình làm nghề, hàng chục lò nung đỏ lửa suốt ngày đêm. Bến đò ngay góc làng tấp nập thuyền bè chở những nồi, lu, hũ... đến khắp các miền quê. Một thời, gốm Phước Tích được chọn lựa, nâng niu dùng trong cung cấm. Đến giờ, người dân vẫn truyền nhau câu ca: “Om Phước Tích nấu gạo de An Cựu”. Còn giờ đây, khung cảnh trên bến dưới thuyền nhộn nhịp ngày nào đến nay chỉ còn trơ trọi một lò nung, một xưởng gốm nhỏ đủ để du khách không quên một làng nghề đã trở thành niềm tự hào của người dân địa phương. Tuy nhiên, gốm Phước Tích bây giờ là gốm mới. Dấu xưa chuyện cũ chỉ còn lại nơi góc nhà của một người dân cùng những câu chuyện truyền tai và trong sách vở.
Bước chân vào những ngôi nhà cổ, vào khu vực làm gốm, có cảm giác như nghe được những thanh âm xưa cũ vọng lại. Phước Tích bây giờ không chỉ là thực thể của các nhà nghiên cứu, những cơ quan bảo tồn mà còn là nơi để du khách, thế hệ sau hiểu hơn những giá trị văn hóa truyền thống xưa cũ của cha ông, về cuộc sống thôn quê ở một ngôi làng cổ điển hình của người Việt ở miền Trung.
0 bình luận