Làng cổ Phước Tích: Nhà rường kể chuyện

Làng cổ Phước Tích: Nhà rường kể chuyện

Chỉ cần nhìn qua cánh cửa chính vào nhà, bạn sẽ biết ngay chủ nhân của nó là người thế nào. Đến làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế), bạn càng dễ dàng nhận ra điều đó....

Hầu hết khách du lịch tham quan làng cổ Phước Tích đều ghé nhà mệ Trương Thị Thú nghe mệ kể chuyện gốm, chuyện làng nước - Ảnh: Tuyết Khoa

“Cái gì cũng cần chăm sóc, tưới tắm. Cuộc đời cũng rứa...”

Cuộc sống phố thị ồn ào, náo nhiệt khiến chúng ta không khỏi mệt mỏi và chỉ muốn trốn chạy về những làng quê trong lành và yên bình. Nếu để ý sẽ dễ thấy, những ngôi nhà ở đây thường không được ngăn cách bằng những bờ tường xi măng mà thay bằng những hàng chè tàu trông rất thân thiện và gần gũi... Làng cổ Phước Tích là một điển hình cho bức họa đồng quê ấy mà theo kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhận xét: “Cấu trúc và tổ chức không gian làng Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung bộ. Đó là cấu trúc mở với những căn nhà trong vườn, nhà vườn. Ở Phước Tích, quỹ kiến trúc cổ và cũ, song cảnh quan và vườn được bao quanh thì lại rất trẻ và tràn đầy sức sống”.

Mỗi lần ghé Phước Tích, điểm đừng chân đầu tiên của nhiều khách tham quan là nhà mệ Trương Thị Thú. Mệ sống một mình trong căn nhà rường cổ được xây dựng với diện tích gần 1.000 m2, là một trong số 27 ngôi nhà rường còn lưu giữ của làng. Ngôi nhà xây dựng dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1840), được trùng tu vào năm 1976 và năm 1990. Lối vào nhà là hai hàng chè tàu xanh ngắt ngang lưng được mệ ngày ngày quét dọn, cắt tỉa sạch sẽ. Dãy cửa nhỏ cọt kẹt đặc trưng của nhà rường được mệ mở toang cho nắng chiếu vào nhà. Dù đã ở tuổi 85 nhưng mệ vẫn còn khá minh mẫn, vui vẻ và đặc biệt kể chuyện làng chuyện nước rất có duyên. Bao nhiêu năm trôi qua, mệ vẫn ở đó, trong ngôi nhà cổ đó và vẫn kể những câu chuyện ấy nhưng lại trở thành nơi níu chân nhiều lần du khách thập phương. Dù vắng vẻ nhưng không hề buồn tẻ mà ngược lại, những câu chuyện của mệ như khiến mỗi người khách thêm phần tươi vui, đặc biệt hiểu hơn về con người nơi đây…

Lần ghé thăm gần nhất, tôi được mệ kể cho nghe về cái thuở mười bảy mười tám đầy biến động nhưng vẫn rất lạc quan. Mệ kể, lấy chồng từ năm 17 tuổi theo lời ba mẹ, thế mà vẫn vui vẻ cả. Nhưng chiến tranh lại gây ra nhiều chết chóc khiến mệ cũng không ít lần đắng cay. Trải qua hai đời chồng nhưng hiện nay mệ vẫn ở một mình, hương khói trong ngôi nhà cổ của tổ tiên và vui sống cùng cây cỏ… “Ngôi nhà rường này nhìn thì đẹp thế chứ ngày ngày không lau dọn, chống mối mọt, không kiểm tra tu sửa, không có hơi người là thành nhà hoang và hư liền... Sân gạch không ai đi lại cũng rêu phong. Vườn cây không cắt tỉa thì cây cỏ um tùm. Cái gì cũng cần chăm sóc, tưới tắm. Cuộc đời cũng rứa…”, mệ Thú nói.

Giữ hồn làng cổ

Hiện nay, hơn 50% dân số Phước Tích là những người trong độ tuổi từ 60 - 103. Những cụ ông cụ bà không chỉ là chủ nhân của những ngôi nhà rường cổ mà còn là người giữ hồn làng cổ, thiếu họ làng cổ như thiếu phần hồn… Tuy nhiên, số phận những ngôi nhà này sẽ như thế nào khi thế hệ này không còn nữa trong khi con cháu đều lập nghiệp ở xa quê.

Hầu hết nhà rường Phước Tích được xây dựng vào thế kỷ 19, phổ biến với kết cấu theo kiểu nhà 3 gian 2 chái, và 1 gian 2 chái (nhà bánh ú) với lối thiết trí chữ Đinh. Nhà trên là nhà chính với gian giữa là gian thờ; gian trên - chái đông là nơi ở của ông chủ; gian dưới - chái tây là nơi ở của bà chủ. Nhà dưới được phân chia thành nhiều gian nhỏ, vừa làm nơi tiếp khách, vừa là nhà ở của con cái, vừa làm phòng ăn, nhà bếp... Mệ Thú cho biết: “Người ta hay nói là đông phòng thì dành cho nam, tây phòng thì dành cho nữ. Nhà chính tuyệt đối không cho vợ chồng sinh hoạt. Không chỉ ngày xưa mà nay vẫn rứa, phải có tôn ti trật tự…”.

Nội thất bên trong thể hiện chủ nhân đó là các vị quan văn hoặc là những người có tâm hồn lãng mạn, yêu thích văn chương… Hệ hoa văn ở đây chủ yếu là các loại dây lá, hoa trái, hình tượng con vật, ngòi bút, cuốn vở, chữ cách điệu… Bước vào những ngôi nhà rường, chúng ta không dám suồng sã, ăn to nói lớn mà tự nhiên sẽ trở nên nhẹ nhàng và sâu lắng hơn. Đặc biệt, những bức hoành phi, những câu đối chữ Hán được chạm trổ tinh xảo càng thể hiện chiều sâu và sức nặng của tri thức con người nơi đây, rất trọng chữ nghĩa, trọng truyền thống. Ngôi nhà từ đời này sang đời khác phải luôn được gìn giữ và chăm nom.

Mệ Thú kể, ngày trước có một gia đình trẻ vì hoàn cảnh khó khăn nên dỡ ngôi nhà rường đem bán rồi chuyển đi nơi khác làm ăn. Không hiểu vì lý do gì, con cái cứ đau ốm, làm ăn không ra. Một hôm, anh ta nằm mơ thấy tổ tiên hiện về nói chuyện. Hôm sau, anh ta tất tưởi khắp nơi tìm mua lại cho bằng được ngôi nhà cũ của mình. Sau nhiều ngày tìm kiếm và đóng lại nhà, gia đình anh ta mới yên ổn..

Nguồn: Báo Thanh niên

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Cổng thông tin du lịch Phước Tích cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

langcophuoctich2013@gmail.com
862632202
Xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

IZOMI