Nhà chồi họ Lê Trọng nằm gần lò gốm truyền thống của làng cổ Phước Tích, là nơi thờ tự của dòng họ Lê Trọng. Họ Lê Trọng gồm có 3 nhánh, đây là nhà chồi của nhánh II nhưng là chồi nhất, và cũng nằm trong phạm vi cổ tích của làng Phước Tích.
Ngôi nhà có kết cấu một gian hai chái theo kiểu dáng của nếp nhà rường truyền thống, và giống như các gian nhà khác, phía trước nhà chồi cũng có một bức bình phong mà theo quan niệm là để chắn gió độc vào nhà. Nhà chồi họ Lê là một hệ thống kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của làng cổ và cũng chính là nơi lưu giữ truyền thống gia đình của dòng họ qua nhiều thế hệ.
Theo lời kể của cụ Lê Trọng Cơ - trưởng họ Lê Trọng và cũng là trưởng nhánh II thì nhà chồi này đã có tuổi đời hơn trăm năm, trải qua 5 đời và đến nay đã là đời thứ 6, thứ 7. Cụ còn cho biết: “Nhà chồi này thờ Ngài thế thứ chín Lê Trọng Dũng - một viên quan của đời nhà Nguyễn. Thế thứ mười thờ một vị quan huyện, thế thứ mười một là Hoàng triều y sư, thế thứ mười hai là Lang trung công bộ, thế thứ mười ba là Đội trưởng Cảnh vệ của triều đình Huế. Thế thứ mười bốn mười lăm đều làm quan cả”. Nhà chồi họ Lê Trọng chỉ giao cho con cháu đích tôn thừa trọng, hưởng hoa lợi và có trách nhiệm trông nom nhà thờ. Nhà chồi rất ít khi được mở, đều đặn thắp hương mỗi tháng một lần và chỉ mở cửa chính giữa, hai cửa bên đã được niêm lại theo thời gian.
Trước đây, nhà chồi xây bằng vôi, lợp ngói nhưng qua nhiều năm đã mục hết, nên con cháu trong dòng họ đã cùng nhau tu sửa lại. Trải qua vài lần tu tạo bảo tồn, nhà chồi họ Lê Trọng được đổ nền xi măng chắc chắn hơn, phần ngói lợp tôn, nhưng đặc biệt phần gỗ khung nhà thì vẫn được giữ nguyên nếp cũ hơn trăm năm qua.