Miếu Quảng Tế nằm ở xóm Lò, thể hiện rõ giữa tín ngưỡng của người Việt và người Chăm. Phía trước miếu thiết trí Yoni 3 tầng, đặt trên một cái bệ xây bằng xi măng, tầng trên của Yoni cũng được tạo khe rãnh như thường thấy ở các Yoni nơi tế thần của người Chăm. Tuy nhiên nếu trên các Yoni khác đã được tìm thấy và lưu giữ khá nhiều ở các bảo tàng, phần lớn thiết trí Linga phía trên, thì tại Yoni này lại thiết chế 3 hòn đá đã được chế tác có hình cầu, kích thước gần như nhau, hai hòn đá có màu sắc và hoa văn gần như nhau, một hòn đá khác hẳn về hoa văn cũng như màu sắc. Ba hòn đá đó có phải Linga hay không thì hiện nay đang còn nhưng ý kiến khác nhau. Bên cạnh đó còn có hai trụ đá (trụ cửa) của một đền thờ cũ của người Chăm: Một trụ dài 2,2m, rộng 0,3m và dày 0,3m, có đục hai lỗ (kích cỡ: 8cm x 8cm) ở hai đầu; Một trụ dài 1,4m, rộng 0,3m, dày 0,3m, hai đầu có hai lỗ mộng cũng bằng kích cỡ lỗ đục ở trụ kia. Như vậy đây là một nơi thờ sinh thực khí của người Chăm, rất có thể đây là khu vực đền tháp của người Chăm đã tồn tại nơi này.
Miếu Quảng Tế được xây dựng theo phong cách Nguyễn, mái lợp ngói ống, bờ nóc có trang trí lưỡng long chầu nhật, bờ mái trang trí hoa lá cách điệu, bên trong thiết trí một án thờ và câu đối.