Miếu Cây Thị nằm ở xóm Trung Hòa (xóm Giữa) dưới tán của một cây thị cổ nên nhân dân trong làng gọi là miếu Cây Thị. Các cụ trong làng cho biết: Trước khi tổ tiên của họ đến khai phá xứ Cồn Dương lập ra làng Phước Tích (vào năm 1470) thì ngôi miếu và cây thị đã có mặt tại đây, như vậy miếu Cây Thị đã ra đời cách đây trên 500 năm.
Miếu được xây bằng gạch vồ, có tường bao quanh. Phía trước miếu có bình phong trang trí hình chim phụng, hai bên cửa có vòm để đi vào, trên các trụ cổng còn lại dấu tích của một số câu đối xưa bằng chữ Hán, được ghép sành sứ, nhưng do bị bào mòn nên không đọc được. Đây là một ngôi miếu cổ của người Chăm, thờ thần PoNagar (thờ Mẫu) đã bị Việt hóa trong quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa của hai dân tộc Chăm - Việt trên vùng đất Thuận Hóa vào thế kỷ thứ XV, XVI. Hàng năm nhân dân làng Phước Tích lấy ngày xuân tế (16 tháng giêng âm lịch) để tổ chức việc cúng tế tại miếu.
Bên cạnh ngôi miếu là cây thị cổ đã được công nhận là cây di sản. Dù đã tồn tại hơn năm trăm năm nhưng cây vẫn xanh tốt, cành lá xum xuê, bộ rễ xù xì với những hình thù kỳ dị nổi trên mặt đất, thân cây to bảy đến tám người ôm không xuể. Tán lá đồ sộ tỏa bóng mát cả một vùng. Dù trưa hè chói chang nhưng ở miếu luôn râm mát đến lạ thường. Đặc biệt của cây thị là bị rỗng ruột ở bên trong nhưng vẫn xanh tốt, sống khỏe với thời gian. người dân Phước Tích cũng nhờ lòng bộng của cây mà trốn khỏi sự truy lùng của kẻ thù.