Ngôi nhà rường của ông Hồ Văn Tế được dựng khoảng cuối thế kỷ XIX. Tổng thể công trình gồm một nhà chính và một nhà ngang trong một khuôn viên diện tích khoảng 1366m2. Bao quanh khuôn viên là hàng rào chè tàu và cây nhỏ.
Nhà chính quay hướng Nam, có mặt bằng chữ nhất, kích thước 13,91m x 8,64m, theo kiến trúc ba gian hai chái kép. Bộ khung kết cấu kiểu sáu hàng chân, vảy thêm một nhịp 0,85m phía trước. Bộ vài theo kiểu vài kèo kiểu truyền thống của nhà rường Huế. Các bức đố, liên ba, đầu kèo, cửa… chạm khắc tinh xảo. Xung quanh nhà được che chắn bởi tường xây gạch trát vữa. Bốn mặt mái lợp ngói liệt; bờ nóc, bờ chảy xây gạch trát vữa.
Trước bàn thờ có dòng chữ:
Phiên âm:
Cổ nguyệt dương minh, tam kính cúc tùng nhiêu vãn thú,
Phúc tinh củng chiếu, mãn đình chi ngọc áng xuân dung.
Dịch nghĩa:
Trăng xưa vẫn sáng, ba lối tùng cúc vui thú lúc về già,
Phúc tinh chiếu về, đầy sân lan ngọc tràn trề vẻ xuân.
Cặp câu đối nằm phía hai bên tường:
Phiên âm:
Tháo cầm sơn thuỷ khúc trung ngộ,
Trần chỉ vân yên bút hạ sinh.
Dịch nghĩa:
Gãy đàn ngộ được trong khúc non nước,
Bày giấy khói mây dưới bút sinh.
Gian chính giữa của ngôi nhà được đặt bức Đại tự khắc bằng chữ Hán:
Phiên âm: Bình dị cận dân. Bảo Đại cửu niên đông. Thanh Hoá tỉnh, Dương ty học võ văn trưng trang hạ.
Dịch nghĩa: Sống giản dị gần với dân. Mùa đông năm thứ 9 niên hiệu Bảo Đại (1934). Học sinh văn võ ở Dương ty, tỉnh Thanh Hoá cùng kính tặng.
Nay gia đình đã đặt bức đại tự ở phía sau bản khoa nội (Tây phòng). Ngôi nhà mặc dù đã trải qua nhiều lần tu bổ nhưng vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu và rất có giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật.