Chùa Phước Bửu

  • Tiếng Việt

Chùa Phước Bửu nằm ở xóm Hạ Hòa (xóm Cầu), mặt quay về hướng tây nam, chọn nơi giao điểm của hai dòng Ô Lâu và Thác Ma làm tiền án. Toàn bộ khuôn viên của chùa rộng chừng 1ha; bao gồm các công trình chính: Cổng vào, hồ bán nguyệt, Quan Âm các (Tượng Quan Thế Âm), nhà chùa và miếu Cô hồn.

Chùa Phước Bửu có kiến trúc truyền thống của một chùa làng xứ Huế, bố cục theo kiểu chữ “công”(I) được xây dựng bằng chất liệu xi măng cốt thép kiên cố, gắn chắp các loại vật liệu sành sứ có màu sắc đẹp, hài hòa. Tuy chưa có một nguồn tư liệu nào nói về chùa Phước Bửu ra đời trong khoảng thời gian nào, nhưng theo gia phả của họ Lê Trọng và họ Nguyễn Bá ghi chép vào thời vua Minh Mạng (1820 - 1840); hai ông Lê Trọng Hiệp và Nguyễn Bá Lương làm thợ cả để thi công, trùng tu sửa chữa lại ngôi chùa, có thể kết luận chùa Phước Bửu ra đời vào những năm cuối thế kỷ thứ XVIII.

Cổng vào có dạng tam quan, gồm một cửa chính và hai cửa phụ, được xây đặc tạo thành một hình khối vuông cao lớn. Ở dưới theo kiểu cổng vòm, phía trên theo kiểu cổ lầu, mái lợp ngói vảy cá, các đường nóc, bờ tè, ghép hình tượng: Long, quy, phụng và long hóa lá... Ở vị trí trung tâm là lưỡng long chầu thái cực.

Từ cổng chùa đi vào 8,7m là đến hồ bán nguyệt, hồ có diện tích 21m2, xây nổi trên mặt đất, theo hình bát giác (8 cạnh), có hòn non bộ theo kiểu “giả sơn”. Ở vị trí trung tâm đặt một tượng đài 5 tầng hình hoa sen cách điệu theo quan niệm, triết lý của nhà phật.

Quan Âm các cách cổng khoảng 5m về phía bên tả, xây dựng vào năm Quý Mùi (2003) theo kiểu nhà bát giác, ở vị trí trung tâm của nhà đặt tượng Quan Thế Âm (cao 3m) bằng chất liệu thạch cao.

Chùa Phước Bửu nằm ở vị trí trung tâm của khuôn viên có chiều dài 19m, chiều rộng 12,6m. Từ ngoài sân đi vào chùa có tiền đường, hai bên tả hữu có nhà chuông trống. Kiến trúc của chùa gồm mái cổ lầu, các đường nóc, bờ tè gắn chắp các đề tài “long hóa lá, long ẩn vân, quy, phụng” còn ở vị trí trung tâm là hình tượng“ lưỡng long triều nguyệt”, chất liệu bằng sành sứ, có màu sắc hài hòa. Nối liền giữa hai mái là khoảng tường vách trang trí các đề tài phong cảnh tươi đẹp của làng quê bên dòng Ô Lâu, các bức bích họa về cá tuồng tích xưa hoặc hoa lá tượng trưng cho bốn mùa... bằng chất liệu bột màu và được đóng khung trong từng ô, hộc nhất định.

Nội thất của chùa là một khoảng không rộng, ở vị trí trung tâm đặt một đại tự và hai câu đối bằng chữ hán nói đến triết lý của nhà phật và vùng đất văn vật Phước Tích.

Cách bố trí sắp đặt, thờ tự theo truyền thống của các ngôi chùa làng gồm ba gian chính; gian giữa thờ A Di Đà tam thế: Phật tổ A Di Đà - Địa Tạng - Di Lặc, bên tả thờ Thích Ca Mâu Ni và bên hữu là Quan Thế Âm Bồ Tát, phía trước dùng làm nơi cầu nguyện, đọc kinh kệ cho các tăng ni phật tử.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), chùa bị đốt cháy hoàn toàn. Năm 1957, dân làng đã xây dựng lại ngôi chùa trên nền đất cũ trước đây, sau đó chùa được tiếp tục đầu tư kinh phí tôn tạo, sửa chữa và xây dựng thêm các công trình như ngày nay.

Loại hình

  • Di tích phụ cận

Viết đánh giá

Bản đồ

Cổng thông tin du lịch Phước Tích cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

langcophuoctich2013@gmail.com
862632202
Xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

IZOMI